Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là 2 lĩnh vực lợi thế của Việt Nam, qua khảo sát đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH nhu cầu trong 2 lĩnh vực này là rất lớn.
Đề xuất được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Nakano Hedeyuki, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.
Nhiều chương trình, dự án như: thực tập sinh kỹ năng; lao động kỹ năng đặc định, đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên... đã được Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
Về dự án "Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) hợp tác với JICA thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao dự án sẽ hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm công việc phù hợp và đi làm việc tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng, lựa chọn nghề nghiệp trong môi trường có tính minh bạch cao.
Hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận thông tin đầy đủ về việc làm trong nước qua thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp có thông tin đầy đủ, tiếp cận tốt hơn và kết nối trực tiếp với người lao động trở về nước - nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, tháng 3 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp cùng phía Nhật Bản tổ chức thành công kỳ thi đánh giá kỹ năng trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng và lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng cũng đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là 2 lĩnh vực lợi thế của Việt Nam và Bộ cũng đã có những khảo sát đánh giá nhu cầu trong 2 lĩnh vực này là rất lớn.
Đồng tình với những đề xuất của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đưa ra, ông Nakano Hedeyuki cho biết, ngày 15.3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật Cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia này muốn giữ chân lao động nhập cư lâu hơn nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm lao động vì dân số già hóa. Cải cách được thực hiện thông qua một chương trình mới tập trung phát triển các kỹ năng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
"Chính phủ Nhật Bản muốn thu hút các tài năng nước ngoài đến làm việc tại nước này trong thời gian dài, cải thiện các kỹ năng của họ và quan trọng là ngăn chặn nguy cơ xảy ra lạm dụng quyền của người lao động", ông Nakano Hedeyuki nhấn mạnh.
Chương trình mới nếu được Quốc hội Nhật Bản thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2027. Trong tương lai, Việt Nam sẽ là đối tác số 1 trong việc phái cử lao động tới Nhật Bản làm việc, do đó ông Nakano Hedeyuki mong muốn hai bên sẽ sớm khởi động đàm phán để trao đổi, chia sẻ về nội dung liên quan đến Bản ghi nhớ hợp tác.
Đề cập đến lĩnh vực kỹ năng đặc định, ông Nakano Hedeyuki cho biết, hiện Nhật Bản có 12 lĩnh vực, ngành nghề tiếp nhận kỹ năng đặc định. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã bổ sung 4 ngành nghề kỹ năng đặc định mà người nước ngoài có thể làm việc với tư cách là "lao động có tay nghề", gồm: vận tải đường bộ; vận tải đường đường sắt; lâm nghiệp và gỗ nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các ngành nghề này.
Với quy mô tiếp nhận 820.000 lao động, ông Nakano Hedeyuki mong muốn Việt Nam tổ chức các cuộc khảo sát nhằm cung cấp thông tin cụ thể, chính xác để cơ quan phía Nhật Bản lấy làm căn cứ xem xét tiếp tục mở rộng các ngành nghề kỹ năng tại Việt Nam tới đây.